·  Tên ngành đào tạo (tiếng Việt): Công nghệ thực phẩm

·  Tên ngành đào tạo (tiếng Anh): Food Technology

·  Mã ngành: 7540101

·  Loại hình đào tạo: Chính quy

·  Thời gian đào tạo: 4 năm

·  Bằng tốt nghiệp: Kỹ sư Công Nghệ Thực Phẩm

Mục tiêu đào tạo:

·  Đào tạo các nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khác nhau, nguồn nhân lực có sự sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp cao.

·  Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức cơ sở, chuyên môn vững vàng; thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển góp phần cải thiện kinh tế và bảo tồn tài nguyên bền vững của Việt Nam.

Ngành Công nghệ thực phẩm chia thành 03 chuyên ngành:

1. Bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm

Sinh viên học chuyên ngành Bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm (Tiếng Việt): tập trung vào hình thành ý tưởng, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo quản và chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và giải quyết các vấn đề trong bảo quản và chế biến thực phẩm; áp dụng được qui trình công nghệ và vận hành các thiết bị trong dây chuyền bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản thực phẩm.

 2. Bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm và Dinh dưỡng người

Sinh viên học chuyên ngành Bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm và Dinh dưỡng người (Tiếng Việt): tập trung vào hình thành ý tưởng, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo đảm chất lượng dinh dưỡng cho sức khỏe người sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và giải quyết các vấn đề trong dinh dưỡng cộng đồng; áp dụng được các chương trình dinh dưỡng cộng đồng, qui trình công nghệ và vận hành các thiết bị trong dây chuyền bảo quản và chế biến sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng.

 3. Bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm và Vi sinh thực phẩm

Sinh viên học chuyên ngành Bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm và Vi sinh Thực phẩm (Tiếng Việt): hình thành ý tưởng, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo quản và chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và giải quyết các vấn đề  liên quan tới vi sinh trong bảo quản và chế biến thực phẩm; áp dụng được qui trình công nghệ và vận hành các thiết bị trong dây chuyền bảo quản và chế biến sản phẩm thực phẩm, đặc biệt thuộc lĩnh vực công nghệ vi sinh.

Công nghệ thực phẩm - Chương trình tiên tiến

Chương trình tiên tiến Đại học ngành Công nghệ Thực Phẩm là chương trình đào tạo đặc biệt với sự cộng tác của Đại Học California, Davis Hoa Kỳ. Một trong những trường hàng đầu của thế giới. Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, với giảng viên quốc tế và Việt Nam. Khoa CNTP đã được giao nhiệm vụ đào tạo chương trình tiên tiến ngành Công nghệ thực phẩm giảng dạy bằng tiếng Anh, hợp tác với trường Đại học California-Davis (UC Davis) - Hoa Kỳ, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2008. Sinh viên được học trong điều kiện học tập tốt nhất bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo ngành Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Đại học California-Davis, một trong các trường có uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ về đào tạo kỹ sư Khoa học và Công nghệ Thực phẩm. Giảng viên là những cán bộ của trường Đại học Nông Lâm TPHCM và một số trường, viện nghiên cứu có kinh nghiệm giảng dạy, từng dạy và học tại các nước nói tiếng Anh; một số môn học sẽ do giáo sư của trường Đại học California-Davis (UCDavis) trực tiếp giảng dạy. Quy trình đào tạo được tổ chức theo học chế tín chỉ. Điều kiện tốt nghiệp tuân theo Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ của trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Đặc biệt, trong năm học cuối sinh viên sẽ tham gia thực hiện đề tài tốt nghiệp tại nước ngoài.

Công nghệ thực phẩm - Chương trình Nâng cao

Chuyên ngành Công nghệ thực phẩm nâng cao đào tạo sinh viên giảng dạy bằng tiếng Việt và một số môn bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó làm tiền đề để hướng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo cho toàn ngành. Tổ chức lớp học riêng, đội ngũ giảng dạy chất lượng cao được tuyển chọn, có phòng thí nghiệm dành riêng cho thực hành, ưu tiên trong việc thực tập tốt nghiệp, học tối thiểu 30% môn học bằng tiếng Anh. Thời lượng và chất lượng thực hành gắn liền với doanh nghiệp và thực tế sản xuất được chú trọng cũng là một nét đặc trưng mới trong chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Công nghệ Thực phẩm này. 

Cơ hội nghề nghiệp:

· Ngành học cung cấp các kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên môn nhằm giúp sinh viên có khả năng hoạt động độc lập; cải tiến, đổi mới các quy trình công nghệ bảo quản, chế biến sản xuất nông sản, thực phẩm cũng như công tác tốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các thành phần kinh tế…có liên quan.

· Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, cơ sở sản xuất chế biến nông sản-thực phẩm hay trong các cơ sở nghiên cứu và phát triển kỹ thuật bảo quản, chế biến các sản phẩm từ thịt, cá; nghiên cứu và phát triển kỹ thuật bảo quản, chế biến các loại rau và trái cây; nghiên cứu các kỹ thuật bảo quản nông sản; nghiên cứu kiểm tra chất lượng sản phẩm.

· Cụ thể công việc, chức danh có thể đảm nhiệm:

- Nhân viên đảm bảo chất lượng, nhân viên kiếm soát chất lượng, nhân viên bếp/pha chế, nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên bộ phận thu mua, nhân viên vận hành máy, giám sát viên sản xuất…

- Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chuyên viên các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp,…

- Kỹ sư công nghệ thực phẩm, kỹ sư sản xuất,…

- Nghiên cứu viên tại các trường, viện về công nghệ thực phẩm.

- Giảng viên giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về công nghệ thực phẩm.

 Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường:

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm, sinh viên có thể tiếp tục học chương trình cao học, nghiên cứu sinh ngành Công nghệ thực phẩm và các ngành gần khác trong nước hoặc tham gia các chương trình du học sau đại học ở nước ngoài.

 

 

Số lần xem trang: 3031

logolink