Phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 :

Kính mời quý phụ huynh và thí sinh tham khảo Tại đây 

Link đăng ký xét tuyển bằng hình thức học bạ THPT: https://xettuyen.hcmuaf.edu.vn/ 


Học sinh: Thầy/Cô cho em hỏi ngành công nghệ thực phẩm hiện nay có phải ngành “hot” không ạ?. Ngành công nghệ thực phẩm ở trường Nông Lâm TP.HCM có gì khác so với các trường khác?. Nếu em học ngành công nghệ thực phẩm thì sau này em có cơ hội được thực tập cũng như cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tại các tập đoàn lớn như: AJINOMOTO, VINAMILK, NUTIFOOD,…hay không?

PGS. TS. Phan Tại Huân: Chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận độ “HOT” khi nhận thấy có rất nhiều trường (kể cả công lập và ngoài công lập) hiện nay đang tham gia đào tạo ngành này. Tại Trường ĐHNL TP.HCM, đào tạo ngành CNTP có những đặc điểm rất đáng chú ý. Hiện tại Khoa đang đào tạo rất đa dạng với 3 chuyên ngành: Bảo Quản Chế biến Nông sản Thực phẩm, Bảo Quản Chế biến Nông sản và Vi sinh Thực phẩm, Bảo Quản Chế biến Nông sản Thực phẩm và Dinh dưỡng người. Đặc biệt từ năm 2008 Khoa đào tạo Chương trình tiên tiến ngành CNTP (Đào tạo 100% bằng Tiếng Anh) và Chương trình chất lượng cao ngành CNTP (Đào tạo tối thiểu 30% bằng Tiếng Anh). Đặc biệt chương trình tiên tiến ngành CNTP (hợp tác với Đại học California - Davis, Hoa Kỳ) đạt chuẩn quốc tế AUN-QA. Một đặc điểm tích cực khác đối với người học là học phí rất cạnh tranh. Ví dụ như chương trình tiên tiến và chất lượng cao của Khoa thì học phí gần như cũng chỉ tương đương học phí chương trình đại trà của nhiều trường khác. Trong khi đó Chương trình đại trà CNTP cũng giống như các chương trình đại trà khác trong Trường ĐHNL TP.HCM thì học phí còn thấp hơn nữa.

         Một ưu điểm khác là sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở nhiều vị trí việc làm trải dài trong chuỗi từ trang trại tới bàn ăn, đáp ứng nguồn nhân lực không chỉ trong nước mà còn hội nhập khu vực. Khi theo học tại Khoa, sinh viên có điều kiện tiếp xúc, thực tập với nhiều công ty lớn không chỉ ở trong nước. Cựu học viên của Khoa hiện đang có mặt làm việc ở hầu hết các công ty, tập đoàn lớn ở Việt Nam. Cũng có rất nhiều bạn đã đi làm việc hoặc theo học sau đại học ở nước ngoài.

 

Học sinh: Em nghe nói học ngành công nghệ thực phẩm ra trường khó xin việc ở nông thôn. Nếu ở nông thôn em sẽ làm được vào làm trong những vị trí nào ạ?

PGS.TS Kha Chấn Tuyền: Chương trình đào tạo của Khoa đã được xây dựng nhằm giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể thích ứng với nhiều vị trí khác nhau. Nhìn chung, chương trình đào tạo bao gồm nhóm kiến thức cơ bản, nhóm kiến thức chuyên ngành đến các kỹ năng (như tiếng Anh, tin học, giao tiếp…). Do vậy, nếu ở khu vực nông thôn thì sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm có thể làm việc trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm có thể tham gia ở các khâu của chuỗi. Mở đầu của chuỗi này là nguyên liệu nông sản, đóng vai trò quan trọng trong quy trình chế biến sản phẩm thực phẩm, vì chỉ có nguyên liệu tốt thì sẽ tạo ra được sản phẩm chất lượng cao. Theo đó, ở khu vực nông thôn, công nghệ sau thu hoạch (thu hoạch, bảo quản và sơ chế) đóng vai trò then chốt để đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Theo khuynh hướng phát triển chung của Việt Nam và Thế giới, để phát triển bền vững ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm thì phát triển công nghệ sau thu hoạch là yêu cầu hàng đầu. Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các nhà máy chế biến thực phẩm như nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đảm bảo chất lượng, kiểm soát chất lượng, …

Trong quá trình học tập tại Khoa, sinh viên có thể tham gia vào chương trình khởi nghiệp. Trong chương trình này, giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm thực phẩm.

 

Học sinh: Em được biết trường có đào tạo chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao ngành công nghệ thực phẩm? Vậy học chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao có những lợi thế gì so với chương trình thường không ạ?

ThS. Lê Thị Phượng Linh: Trước khi trình bày rõ thêm về chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao, với cương vị là cựu SV CTTT khóa 03, mình đề cập đôi chút về CTTT. Sự khác biệt lớn nhất giữa CTTT và chương trình thường là ngôn ngữ sử dụng trong dạy và học. CTTT được tổ chức dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thật ra đa số các bạn cùng trang lứa với mình, khi nghe học bằng tiếng Anh thì sẽ khá là lo sợ. Vì khi đi học, việc đầu tư tiếng Anh của mình không nhiều hơn so với các môn khác. Nhưng mình đã có 6 tháng đầu được tăng cường học tiếng Anh về cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. Ngoài ra, mình cũng được học sâu thêm về Tiếng Anh chuyên ngành để tập làm quen dần với ngôn ngữ học thuật. Học tiếng Anh ở đây ngoài các hoạt động tại lớp như bút giấy và bảng, mình được tiếp cận thêm nhiều hình thức học khác như thảo luận nhóm, thuyết trình, đóng kịch hay giao lưu với sinh nước ngoài. Với điều kiện mỗi ngày đều tiếp xúc, giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, khả năng ngoại ngữ của mình thật sự đã cải thiện đáng kể.

Sau 6 tháng tập trung vào tiếng Anh, thì mình bắt đầu chương trình học chính thức. Vì hiểu được tâm lý của tụi mình khi bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh, ban đầu, các Thầy/Cô đã giảng bài với tốc độ chậm, rõ ràng, dễ hiểu để tụi mình có thể làm quen dần. Không bị bó buộc với cách học GV nói, SV nghe, các Thầy/Cô (kể cả GV nước ngoài và GV khoa) đã tạo ra môi trường học thuật hiện đại với nhiều hoạt động tích cực hơn, học luôn đi đôi với hành, giúp tụi mình thoải mái dễ dàng tiếp thu, trao đổi và đóng góp ý kiến. Ngoài ra, mình cũng có rất nhiều cơ hội được tăng cường kỹ năng mềm và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh từ các cuộc hội thảo học thuật tổ chức tại trường, tại khoa hay các chuyến đi thực tế tại các nhà máy, hay giao lưu học tập với các SV quốc tế học tập tại khoa. Điều đặc biệt hơn là sau khi kết thúc các môn học, mình có cơ hội được đi thực tập nước ngoài tại Thái Lan trong 3 tháng. Đây chính là tiền đề giúp mình có cơ hội nhận được học bổng Thạc sĩ toàn phần tại ĐH Kasetsart Thái Lan sau khi tốt nghiệp đại học. Cho tới bấy giờ, mình vẫn luôn tự hào vì mình đã chọn CTTT ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường ĐHNL TP.HCM. Chương trình tiên tiến đã đem đến cho mình không những kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và những kỹ năng bổ ích để giúp mình có những thành công như hôm nay.

Đây là nhưng trải nghiệm thực tế khi mình là SV CTTT mà mình muốn chia sẻ tới các bạn. Để được hiểu rõ thêm về CTTT cũng như CLC, em kính nhờ thầy Trưởng khoa chia sẻ thêm ạ.

PGS.TS. Phan Tại Huân: Chương trình tiên tiến và chất lượng cao được tổ chức lớp học riêng, đội ngũ giảng dạy chất lượng cao được tuyển chọn, có phòng lab dành riêng cho thực hành, ưu tiên trong việc thực tập tốt nghiệp. Đặc biệt, hàng năm, sinh viên năm cuối được khuyến khích làm đề tài ở nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ… Cụ thể là hơn 95% sinh viên CTTT đã tham gia thực hiện đề tài ở nước ngoài. Sinh viên được đào tạo vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác. Đây là những yếu tố cạnh tranh hết sức thuận lợi cho sự nghiệp khi các em ra trường.

           Giữa hai chương trình, CTTT được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, còn Chương trình CLC đào tạo khoảng 30% bằng tiếng Anh. Khoa nhận thấy có một bộ phận sinh viên ngay từ đầu chưa tự tin với khả năng ngoại ngữ của mình, tuy nhiên vẫn có nhu cầu được học trong môi trường giảng dạy chuyên môn sâu và được từng bước nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm đáp ứng cho nhu cầu hội nhập và đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao. Do đó, Khoa đã đầu tư mở lớp chất lượng cao, đào tạo sinh viên giảng dạy bằng tiếng Việt và từng bước tăng cường và giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề giúp sinh viên nâng cao năng lực của mình. Thời lượng và chất lượng thực hành, thực tập gắn liền với doanh nghiệp và thực tế sản xuất được chú trọng cũng là một nét đặc trưng trong chương trình đào tạo chất lượng cao ngành CNTP này.

           Khi theo học các chương trình tăng cường tiếng Anh này, sinh viên được tạo cơ hội giao tiếp với đối tác nước ngoài rất nhiều thông qua các chương trình trao đổi học thuật (trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế). Khoa thường xuyên mời các chuyên gia nước ngoài đến báo cáo seminar học thuật, tổ chức các hội nghị và hội thảo quốc tế chuyên ngành CNTP để tạo điều kiện cho các em sinh viên cùng tham gia. Bên cạnh đó, thường xuyên có các đoàn giảng viên và sinh viên quốc tế đến Khoa giao lưu học thuật và văn hóa. Trong chương trình đào tạo, hàng năm Khoa đều mời khoảng 04-05 giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy các môn chuyên ngành cho sinh viên. Sinh viên năm cuối được xét chọn đi làm đề tài tốt nghiệp ở nước ngoài, là các trường danh tiếng đối tác của Khoa; và sinh viên không cần phải đóng thêm học phí trường nước ngoài cho hoạt động này. Đây là một ưu điểm rất lớn dành cho sinh viên theo học chương trình.


Học sinh: Em thích hóa học, Thầy/Cô cho em hỏi ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đào tạo những lĩnh vực gì? ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học khác ngành kỹ thuật hóa học như thế nào?

PGS.TS. Mai Huỳnh Cang: Đây là 1 câu hỏi luôn được quan tâm trong các mùa tuyển sinh.

Đầu tiên, xin nói về khái niệm Công nghệ Hóa Học. Công Nghệ Hóa Học liên quan đến việc thiết kế và kiểm soát các quá trình hóa học mà vật liệu thô phải trải qua để biến thành các sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc thiết kế và kiểm soát quá trình sẽ giúp cho các thiết bị cũng như toàn bộ nhà máy hoạt động có hiệu quả như giảm tổn thất vật liệu, giảm chi phí năng lượng, tuy nhiên vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm

Ngoài việc thiết kế quá trình, kỹ sư công nghệ hoá học còn nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp hoá chất và vật liệu

Thông thường các Trường khác đào tạo ngành KTHH theo các Chuyên ngành: Hữu cơ, Vô cơ, Hóa lý, Hóa phân tích. Tuy nghiên, ngành CNHH ĐHNL TP HCM có sự khác biệt là đào tạo 3 chuyên ngành theo định hướng các ứng dụng thân thiện môi trường, bao gồm:

1. Kỹ thuật Hoá Thực phẩm và Hệ thống dược:

 Trong đào tạo: SV được đào tạo:

- Thiết kế các quá trình và thiết bị thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm như chưng cất, cô đặc, màng lọc, sấy phun, kết tinh, vi bao...

- Quy trình công nghệ chiết tách, công nghệ nhũ tương & tổng hợp hương liệu để ứng dụng trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng.

 Trong nghiên cứu: có các hướng nghiên cứu chính:

- Chiết tách và tinh chế hợp chất thiên nhiên như: các hợp chất có hoạt tính sinh học (polyphenol, flavonoid…); dầu thực vật; chất màu tự nhiên; tinh dầu thiên nhiên (tinh dầu sả, tinh dầu bưởi…). Đánh giá hoạt tính sinh học của chúng như: hoạt chất chống oxy hóa, hoạt tính kháng khuẩn, hoạt tính kháng viêm…

- Công nghệ bảo vệ các hoạt chất đó như công nghệ vi bọc, công nghệ nano;

 Một số sản phẩm ứng dụng chính: tinh dầu thiên nhiên, mỹ phẩm thiên nhiên (son môi, serum dưỡng da, các sản phẩm hóa mỹ phẩm từ thiên nhiên (gel rửa tay, xà bông, sữa tắm…), các chế phẩm nông nghiệp sinh học.


2. Chuyển đổi sinh khối – vật liệu và tinh chế: 

 Trong đào tạo: SV được đào tạo:

- Thiết kế các quá trình và thiết bị trong chuyển đổi sinh khối

- Công nghệ chuyển đổi sinh khối thành nhiên liệu sinh học, vật liệu sinh học

Trong nghiên cứu: có 2 hướng nghiên cứu chính:

- Nghiên cứu năng lượng tái tạo: biodiesel, bioethanol…

- Nghiên cứu vật liệu sinh học: sản xuất các vật liệu bao bì sinh học tự huỷ, chất bôi trơn sinh học, chất hoạt động bề mặt, dung môi có nguồn gốc từ vật liệu nông nghiệp; sản xuất hóa chất từ phụ phẩm của quá trình chuyển đổi sinh khối như từ glycerol tạo ra propene hoặc isopropanol.

 Một số sản phẩm ứng dụng chính: mực in 3D, bao bì sinh học, bioethanol và biodiesel


3. Kỹ thuật hóa sinh:

 Trong đào tạo: SV sẽ được đào tạo:  

- Thiết kế các quá trình và thiết bị liên quan đến công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và vi sinh, công nghệ cao su, công nghệ tái sinh và xử lý môi trường.

- Tham gia kiểm soát dư lượng hóa chất trong môi trường và đất trồng.

Trong nghiên cứu: ứng dụng kỹ thuật hóa học trong xử lý nước và khí thải, chế tạo phân bón tiên tiến dùng công nghệ nano và các hợp chất hữu cơ thân thiện với môi trường.

● Các sản phẩm ứng dụng chính: hóa chất xử lý nước và khí thải, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu

 

Học sinh: Em rất yêu thích nghiên cứu khoa học, khi theo học ngành CNTP tại Trường Đại học Nông Lâm thì em có nhiều cơ hội để tham gia hay không?

PGS. TS. Kha Chấn Tuyền: Các Thầy Cô Khoa công nghệ thực phẩm có nhiều đề tài/dự án nghiên cứu gắn liền với thực tiễn. Sinh viên Khoa luôn luôn được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó nhà trường còn có quỹ nghiên cứu khoa học cấp cho sinh viên dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong Khoa.

Hằng năm khoa còn tổ chức các cuộc thi liên quan đến nghiên cứu khoa học như Chương trình “Tôi yêu thực phẩm”, Cuộc thi Phát triển sản phẩm. Các nhóm sinh viên đạt giải cao trong cuộc thi sẽ được tuyển chọn để tham gia các cuộc thi phát triển sản phẩm do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường bạn tổ chức (sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Việt) cũng như các cuộc thi quốc tế. Kết quả thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua Sinh viên Khoa đạt được nhiều giải thưởng cao. Một ví dụ, sinh viên Khoa đã được chọn là thành viên đại diện cho sinh viên Việt Nam tham gia giải thưởng nghiên cứu khoa học quốc tế, kết quả là sinh viên Khoa đoạt giải Nhất ở cuộc thi đó.

 

Học sinh: Bên cạnh việc học ở Trường, sinh viên cũng rất cần các hoạt động giải trí và hoạt động ngoại khóa. Không biết về khía cạnh này ở Khoa sẽ như thế nào ạ?

ThS. Lê Thị Phượng Linh: Bên cạnh các giờ học tại lớp, Khoa có rất nhiều các hoạt động ngoại khóa dành cho SV do các cán bộ Đoàn Thanh Niên và Hội SV khoa tổ chức như là hoạt động CLB Tiếng Anh, các chương trình trình thi đấu kiến thức, trình diễn văn nghệ, hội thao, các hoạt động tình nguyện.

Kết hợp với các môn học lý thuyết, Khoa còn tổ chức các khoá học tại các cơ sở sản xuất như các chuyến thực tập tại các công ty chế biến trà, cà phê. Trong các chuyến thực tập như thế đã giúp cho SV hiểu được quy trình sản xuất thực tế từ nguồn nguyên liệu cho đến từng công đoạn trong quy trình chế biến, thử nếm sản phẩm… Một hoạt động ngoại khoá khác nữa, SV bắt buộc phải đi thực tế tại các cơ sở chế biến (2 lần trong hai học kỳ khác nhau). Sinh viên sẽ có ít nhất 2 tuần làm việc tại các công ty.

Đoàn-Hội của khoa cũng tổ chức tập huấn cán bộ hằng năm để chia sẻ những kinh nghiệm và nâng cao các kỹ năng mềm cho cán bộ Đoàn-Hội và SV. Đặc biệt hơn, các hoạt động này luôn nhận được sự hỗ trợ từ Khoa và quỹ cựu phát triển cựu SV.

 

Học sinh: Em là nữ, em rất thích học hóa, các Anh/Chị khuyên em vào ngành công nghệ kỹ thuật hóa học. Nhưng em đang băn khoăn không biết học ngành này ra trường có phải làm trong môi trường độc hại không ạ và có phù hợp với nữ không? Cơ hội việc làm của nữ như thế nào? Thầy/Cô tư vấn thêm giúp em ạ?

PGS.TS. Mai Huỳnh Cang: Ở thời điểm chọn lựa ngành học như hiện nay, các bạn thường băn khoăn, đắn đo và mất rất nhiều thời gian suy nghĩ xem ngành học nào phù hợp và có ảnh hưởng sức khỏe cho bản thân hay không là hoàn toàn hợp lý. Câu hỏi này có 3 ý:, xin trả lời theo thứ tự:

1. Ngành CNHH có phù hợp với nữ không?

Đối với ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, các khóa gần đây tỉ lệ sinh viên nữ học ngành này khoảng 60% so với sinh viên toàn ngành học. Đặc thù ngành học cần sự cẩn thận, kiên nhẫn và chính xác vì thế các bạn có khả năng tập trung làm việc tốt thì rất phù hợp.

 2. Ngành này ra trường có phải làm trong môi trường độc hại không?

Trước hết phải khẳng định rằng “Định hướng thân thiện môi trường là một trong những mục tiêu của Ngành CNHH của trường ĐH Nông Lâm” vì thế trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng các dung môi độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tác hại đến môi trường.

Hơn nữa, khi học ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, các bạn sẽ được trang bị những kiến thức an toàn sử dụng hóa chất, các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của hóa chất đối với sức khỏe, cách sử dụng và chọn lựa những hóa chất an toàn và thân thiện môi trường.

Khi đi làm, chúng ta sẽ có nhiều công việc ở các bộ phận khác nhau, không phải tất cả công việc đều tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, vì thế các bạn có thể chọn lựa những công việc khác nhau phù hợp với sở thích, tình trạng sức khỏe và năng lực của mình. Đặc biệt, các công ty thường luôn có những nguyên tắc bảo hộ, quy định về an toàn lao động mà chúng ta cần hiểu rõ, tuân thủ và thuộc nằm lòng để đảm bảo sức khỏe.

 3. Cơ hội việc làm đối với nữ trong ngành học này như thế nào?

Câu hỏi này rất thiết thực và luôn là sự quan tâm của PH và HS khi chọn ngành nghề trong giai đoạn quan trọng này.

Trước hết, xin khẳng định để PH và HS yên tâm rằng, cơ hội việc làm đúng chuyên ngành của kỹ sư CNHH rất lớn và công việc khá ổn định; theo thống kê, ngành CNHH và TP là 1 trong 4 ngành xếp hàng đầu trong danh mục các ngành nghề có tỉ lệ SV tốt nghiệp tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau khi ra trường, vì thế Quý vị  PH và  các em HS cứ yên tâm nhé!

Cơ hội làm việc giữa nam và nữ là như nhau. Tuy nhiên, tùy theo tính chất công việc, điều kiện sức khỏe mà chúng ta có những công việc phù hợp cho nữ hơn và những việc bạn nam làm thì sẽ có thuận lợi hơn.

  Sau khi hoàn thành chương trình học, với tấm bằng kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, các bạn có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghệ hóa, dược phẩm, mỹ phẩm hay thực phẩm và thực phẩm chức năng.

Nơi làm việc có thể là tập đoàn quốc tế, các công ty lớn như P&G, CP, Thành Thành Công, Betrimex…, các trung tâm, viện nghiên cứu .. Ngoài ra, các em có thể tiếp tục học cao học trong nước hoặc đi du học  nếu thích nghiên cứu, giảng dạy để làm tại các Viện, Trường. 

Vị trí việc làm trong công ty/ nhà máy có thể là: kỹ sư làm việc ở bộ phận sản xuất, phòng kiểm nghiệm, phòng kiểm soát chất lượng (QC), phòng đảm bảo chất lượng (QA),  phòng phát triển sản phẩm (R&D) hay ở bộ phận kho....

Ngoài ra bạn có thể làm bộ phận kinh doanh, bán hàng hoặc thu mua nguyên liệu nếu có các kỹ năng mềm về quản trị kinh doanh...

Hoặc tùy theo năng lực bản thân các bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm liên quan đến chuyên ngành đã học. Trong thực tế, đã có rất nhiều cựu SV ngành CNHH, hiện nay đã là chủ các doanh nghiệp tư nhân hoặc là quản lý ở các công ty lớn như P&G, CP....với thu nhập khá ổn định.

 

Phụ huynh: Tôi được biết, hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành công nghệ thực phẩm, vậy nếu con em chúng tôi theo học ở Khoa thì có cơ hội nào để xin việc làm ở thị trường cạnh tranh và khắc nghiệt hiện nay?

PGS TS Kha Chấn Tuyền: Đây cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu của Khoa. BCN Khoa đã triển khai kế hoạch cập nhật chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường (04 năm cập nhật/ 1 lần) nhưng vẫn đảm bảo được kiến thức chuyên ngành. Để cập nhật chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thực tế, Khoa đã tổ chức buổi gặp mặt cựu sinh viên ngành CNTP và các công ty thực phẩm hằng năm vào ngày kỉ niệm Nhà giáo 20.11, đây cũng là ngày truyền thống của Khoa. Trong buổi gặp mặt này, các cựu sinh viên của Khoa, từ khoá 1 (1996) đến nay cũng như đại diện các công ty (không phải là cựu sinh viên), là những nhà tuyển dụng thực tế đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế giúp sinh viên đang theo học của Khoa có thể nắm bắt được tình hình thị trường lao động cũng như những đòi hỏi về kiến thức và kỹ năng của thị trường. Bên cạnh đó, cũng trong dịp này, khoa cũng đã gửi các phiếu đánh giá chương trình đào tạo đến các cựu sinh viên và công ty. Điều này, giúp Khoa nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt. Một minh chứng, trong năm qua, chương trình đào tạo của Khoa đã bổ sung thêm một vài môn học đáp ứng nhu cầu thực tế đó như hàng năm Khoa cũng kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng phòng thí nghiệm, anh văn chuyên ngành…

          Ngoài ra, ngay từ những năm đầu thành lập, bên cạnh các phòng thí nghiệm nghiên cứu, Khoa đã có 02 xưởng chế biến ở quy mô sản xuất thử nghiệm, đó là Xưởng chế biến thịt, cá thuỷ hải sản và xưởng chế biến rau quả. Với 02 xưởng chế biến này, sinh viên có thể thực tập chế biến các sản phẩm có trên thị trường cũng như phát triển các sản phẩm mới gắn liền với thực tế chứ không phải ở quy mô phòng thí nghiệm. Không những thế, hai xưởng chế biến này không chỉ phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, còn được sử dụng để hợp tác với các công ty khi công ty có nhu cầu thử nghiệm sản phẩm mới.

          Thầy Cô trong Khoa không chỉ có các dự án nghiên cứu khoa học từ các ngoài tài trợ trong và ngoài nước mà còn tích cực tham gia hợp tác, tư vấn cho các công ty lớn nhỏ trong nước. Điều này giúp cho Thầy Cô hiểu và nắm bắt được nhu cầu thực tiễn ở các công ty, đưa những kinh nghiệm thực tiễn đó vào các bài giảng. Không những thế, tập thể Thầy Cô còn mở nhiều lớp đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu cho các công ty có nhu cầu. Cụ thể, từ năm 2018 đến, Khoa đã phối hợp với tổ chức GMA và FDA, Hoa Kỳ tổ chức thành công khoá huấn luyện “Kiểm soát quy trình sản xuất tốt hơn” cho các công ty có nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm đồ hộp sang thị trường Mỹ. Đây là khoá huấn luyện duy nhất ở Việt Nam do Khoa tổ chức. Trước khi có khoá học này, các công ty ở Việt Nam phải cử nhân viên sang nước ngoài học để được cấp chứng chỉ trước khi xuất khẩu sang Mỹ.

 

Chúc các em thành công!

 (Biên tập theo nguồn: http://nls.hcmuaf.edu.vn/nls-36125-1/vn/cong-nghe-thuc-pham-nganh-hoc-cho-cuoc-song.html)

 

 

 

 

Số lần xem trang: 4347

logolink