Ngày 2-3, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự điểm cầu tại Hà Nội có các đồng chí: TS. Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Văn Thụy, Vụ phó Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ kế hoạch và Đầu tư. Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn báo cáo Dự án quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch được bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Dự án được xây dựng tổng thể với sự tích hợp các ngành lĩnh vực kinh tế trên cơ sở “Tổng hợp nguồn lực-Liên kết phát triển và Tạo dựng giá trị khác biệt”, trong đó thu hút tối đa các nguồn lực trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị đặc biệt”, dự án có mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước; là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao. Đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, phát triển đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, là một tỉnh xanh và có môi trường sống tốt, phát triển bền vững.

Các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;
Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các chuyên gia, nhà khoa học tham dự tại hội thảo.

Trên cơ sở đó, dự thảo quy hoạch cũng đưa ra 5 lĩnh vực quan trọng là: Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; Du lịch; Công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản; với 3 khâu đột phá: Nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cùng với 2 động lực phát triển: kinh tế biển; kinh tế đô thị và 1 hạt nhân phát triển là con người. Để đạt được mục tiêu trên, dự án quy hoạch cũng nêu rõ các quan điểm phát triển là phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển nền kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Dự án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, là cơ sở pháp lý quan trọng, là luận chứng khoa học về định hướng phát triển kinh tế-xã hội và phương án bố trí không gian lãnh thổ của tỉnh trong giai đoạn tới. Từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV đã đề ra. Do đó, đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách khách quan và đưa ra các giải pháp phù hợp, cụ thể để góp phần hoàn thiện quy hoạch xây dựng Ninh Thuận theo đúng mục tiêu đề ra.

Với mong muốn đóng góp nhiều ý tưởng cho sự phát triển của Ninh Thuận, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thẳng thắn nên lên nhận xét về những vấn đề được nêu trong nội dung dự án, đồng thời đề xuất bổ sung các giải pháp trong các lĩnh vực trụ cột, trọng điểm, đột phá, các ngành kinh tế động lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới.

TS. Trần Du lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về các trụ cột và động lực tăng trưởng kinh tế.

Bàn về các trụ cột và động lực tăng trưởng kinh tế Ninh Thuận, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định với 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng và triển vọng để tăng trưởng bứt phá. Với lợi thế của Cảng biển Cà Ná, cần tập trung phát triển và mở rộng khu Công nghiệp (CN) Cà Ná và cả vùng phía Nam Ninh Thuận để nơi đây thành địa bàn trọng điểm về CN chế biến, chế tạo và xem như trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 10 năm tới. Yếu tố mang tính đột phá để thu hút đầu tư vào địa bàn CN phía Nam tỉnh chính là xây dựng Cảng biển tổng hợp Cà Ná. Với tầm nhìn dài hạn, cảng biển này sẽ là cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, để phát huy thế mạnh du lịch của tỉnh cần xây dựng liên kết vùng du lịch trên tam giác: Nha Trang – Đà Lạt và Phan Rang – Tháp Chàm. TS cũng cho rằng Ninh Thuận là miền đất hội tụ những giá trị khác biệt sẽ trở thành điểm sáng trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra tỉnh cần có các chính sách thu hút làn sóng đầu tư mới, đặc biệt phải truyền được khát vọng phát triển đến toàn hệ thống chính trị cũng như người dân nhằm tạo sự đồng thuận để phát triển bền vững.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Báo cáo quy hoạch đã đề xuất bộ quan điểm khá hoàn chỉnh và đề xuất thêm hai quan điểm là “Đột phá mạnh, tạo bứt phá – tiến vượt” và “Phát triển dựa vào liên kết quốc tế và hội tụ sức mạnh khu vực”. Việc thực thi các quan điểm này sẽ giúp cách tiếp cận chiến lược sát hợp với các điều kiện và mang tính khả thi, tạo động lực phát triển một số tuyến ưu tiên như đô thị hóa, phát triển cụm đô thị - cảng biển hay xây dựng chuỗi sản xuất nông sản đặc trưng. Đồng thời, các quan điểm này đòi hỏi Ninh Thuận không chỉ quan tâm đến hạ tầng giao thông kết nối trong nước, kết nối tỉnh lân cận mà còn phát tập trung phát triển, thậm chí ở mức ưu tiên, kết hợp với việc nối đường bay quốc tế đến tọa độ “điểm đến quốc tế ưu tiên”. Đặc biệt, cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư lớn thực hiện định hướng phát triển chiến lược của tỉnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu các điểm mấu chốt định hình tầm nhìn quy hoạch phát triển cho giai đoạn mới.

Đối với giải pháp cho ngành trồng trọt và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp của tỉnh trong thời kỳ mới, TS. Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, thủy sản cần được nghiên cứu và cụ thể hóa một số nội dung trong quy hoạch tỉnh như: Mục tiêu phát triển ngành nông, lâm, thủy sản đến năm 2025, năm 2030 và định hướng đến 2050, định hướng phát triển vùng trồng lúa, phát triển lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi và phát triển thủy sản. Bên cạnh đó, cần có các phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu cụ thể.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến góp ý rất sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sẽ tiếp thu, lựa chọn những ý tưởng hay nhất, khả thi nhất để xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Ninh Thuận sẽ sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong tương lai, là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách trong thời gian tới.

Số lần xem trang: 2160

PHÒNG THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG - ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HCM
Phòng: 401 - Nhà điều hành - Đại học Nông lâm TP.HCM, Khu phố 6, Phường Linh Trung - Tp.Thủ Đức - TP.Hồ Chí Minh
Tel: 028 3535 9097 - Email: ptttt@hcmuaf.edu.vn - Website: https://4t.hcmuaf.edu.vn